Kinh nghiệm lái xe lên dốc cho xe số sàn và số tự động

Lái xe an toàn luôn là tiêu chí hàng đầu của các tài xế và dưới đây là kinh nghiệm lái xe lên dốc cho xe số tự động, số sàn.

Xe số sàn (MT)

Đặc điểm của xe số sàn

Xe số sàn bao gồm tổ hợp côn-phanh-ga khi điều khiển xe số sàn và phải trực tiếp điều khiển cần số bằng tay. Chân côn nằm ở bên trái, giữa là chân phanh, phải là chân ga. Xe còn có một bộ phận được gọi là hộp số- bộ phận trung gian giữa bánh xe và động cơ.

Khi đường trơn, bạn không nên tăng hoặc giảm ga đột ngột dù hiện tại nhiều xe có hệ thống phanh ABS vì nếu ga không đều xe vẫn có thể văng đuôi xe. (Ảnh minh họa).

Khi đường trơn, bạn không nên tăng hoặc giảm ga đột ngột dù hiện tại nhiều xe có hệ thống phanh ABS vì nếu ga không đều xe vẫn có thể văng đuôi xe. (Ảnh minh họa).

Xe số sàn cần nhiều thao tác, vì thế nó phụ thuộc vào kỹ năng lái xe của tài xế.

Kỹ thuật lái xe đề pa lên dốc

Xe số sàn là loại xe đòi hỏi người lái cần kết hợp cả tay và chân cùng sự tập trung cao độ. Người lái xe số sàn cần trau dồi cho mình kỹ năng lên dốc an toàn để tránh xảy ra tình trạng xe lên dốc bị chết máy hoặc trôi.

Kỹ năng lái xe lên dốc số sàn đòi hỏi người lái xe cần thực hiện thành thục các thao tác giữ chân phanh và côn sau đó vào số 1 cho xe. Bạn cần giữ chân phanh, nhả từ từ chân côn và để ý ước lượng theo tiếng nổ để xem xe đã bám côn chưa.

Khi cảm thấy đã bám côn thì tiếp tục từ từ nhả chân phanh, đệm ga và bắt đầu nhả chân côn. Hãy nhả chân côn bằng chân trái từ từ, không nên thả đột ngột dễ bị rồ ga rất nguy hiểm đồng thời bạn nhấn ga chậm rãi bằng chân phải.

Khi thực hiện kỹ năng lái xe lên dốc, có thể xe số sàn của bạn sẽ bị lùi một chút về phía sau nhưng sau đó sẽ lại tiến về phía trước. Trong quá trình xe leo dốc, tài xế nên chuyển sang số 2 hoặc số 3. Nên dùng số phụ thuộc vào độ dốc của đèo, đèo có độ dốc cao thì để số thấp và ngược lại đèo thấp có thể để số cao.

Nếu khi nhả chân côn, nếu đầu xe ô tô chưa ngóc lên mà đã bị cắt phanh tay thì có khả năng bị tụt dốc. Trong trường hợp này nên nhả thêm chút chân côn và ga lên.

Một trường hợp khác có thể bị tụt dốc đó là sau khi thực hiện phanh tay, người lái không giữ chân côn và chân ga như lúc bắt đầu thực hiện cắt phanh tay. Khi đó bạn có thể cứu vãn tình thế bằng việc đạp chân côn và thực hiện kéo phanh tay để làm đề pa leo dốc cho xe.

Xe số tự động (AT)

Còn với xe số tự động, bạn chỉ cần để cần số ở vị trí D là xong, tùy tốc độ và điều kiện vận hành thực tế mà hộp số sẽ chuyển tới số thích hợp. Các nhà sản xuất đã khuyến cáo người lái xe số tự động là không nên và không cần thiết phải chuyển vị trí cần số nhiều, việc này hãy để hộp số tự động làm.

Kinh nghiệm lái xe lên dốc cho thấy cần nhiều thao tác uyển chuyển, kỹ năng tích hợp tốt. (Ảnh minh họa). 

Kinh nghiệm lái xe lên dốc cho thấy cần nhiều thao tác uyển chuyển, kỹ năng tích hợp tốt. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể chuyển cần số sang chế độ số tay và gạt cần vào vị trí (-) để giảm số cho phù hợp với điều kiện và tải trọng thực tế của xe.

Những nguyên tắc an toàn khi đi đèo

Tầm quan sát

Tầm quan sát là một trong những yếu tố quan trọng được nhiều tài xế có kinh nghiệm lưu ý khi đi đường đèo. Lái xe có thể sẽ không lường trước được những đoạn cua gấp và điểm mù trên đường. Do đó, hãy cố gắng nhìn xa nhất có thể chứ không phải chỉ nhìn xe ngay phía trước.

Việc này giúp bạn chuẩn bị tâm lý cho những diễn biến bất ngờ như có xe đỗ bên đường, xe sắp vượt qua đoạn rẽ, đường trơn trượt hoặc một đoạn dốc phía trước.

Sử dụng vô lăng đúng cách

Đặc điểm của những cung đèo nói riêng và địa hình đồi núi nói chung là có nhiều khúc cua nguy hiểm và mật độ dày đặc. Do đó, người lái cần nắm được cách sử dụng vô lăng đúng kỹ thuật. Hãy tự ước lượng độ gấp của khúc cua bởi nó sẽ giúp bạn đánh lái vừa đủ để vượt qua cua, tránh rơi vào trường hợp xe bị tròng trành hoặc vượt quá phần đường quy định.

Sử dụng vô lăng đúng cách còn giúp xe di chuyển ổn định và vững vàng trong khu vực đồi núi. Tuyệt đối không dùng một tay để điều khiển vô lăng bởi điều này vô cùng nguy hiểm đối với xe chạy đường đồi núi. Các khúc cua đường đèo yêu cầu người lái phải giữ và kiểm soát tốt từng đoạn xoay của vô lăng.

Vì vậy, cầm vô lăng bằng một tay có thể khiến lái xe khó kiểm soát được khi có tình huống đột xuất xảy ra. Nếu đang điều khiển xe số sàn (MT), người lái cần vào số nhanh chóng và dứt khoát, sau đó đưa tay phải về vị trí giữ vô lăng để đảm bảo an toàn.

Cẩn thận khi sử dụng phanh, ga và hộp số

Độ dốc của các khu vực đồi núi kết hợp với khối lượng lớn của xe đòi hỏi việc điều khiển phanh, ga cần nhiều kỹ năng và sự tập trung hơn từ người lái. Do đó, bạn cần lưu ý không tăng tốc và giảm tốc đột ngột để tránh tình trạng trượt bánh, mất lái.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hộp số - đặc biệt là hộp số sàn - khi lên dốc, đổ đèo hay vượt xe cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức hơn.

Cảnh giác các đoạn đường trơn trượt bất ngờ

Đường đèo với đặc điểm khúc khuỷu và nhỏ hẹp thường có rất ít không gian để người lái khắc phục sai lầm. Do đó, bạn luôn cần cảnh giác với những cơn mưa bất ngờ, những dòng nước chảy từ núi hay các khe đá. Đây là những yếu tố làm giảm đáng kể độ bám của lốp xe và mặt đường.

Mỗi pha đánh lái hay phanh gấp lúc này thường đi kèm với rủi ro xe bị trượt và mất lái. Do đó, bạn cần giảm tốc và tập trung cao độ hơn khi xe đi qua mặt đường ướt. Những mẫu xe thế hệ mới được trang bị “cân bằng điện tử” lúc này trở nên cực kỳ đáng giá, phần nào hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho xe trước những pha xử lý đột ngột có khả năng gây trượt bánh.

Cẩn thận khi gặp sương mù

Đặc trưng của địa hình đồi núi chính là sương mù. Khi sương mù quá dày đặc, đôi khi xe sau không thể nhìn thấy xe trước dù chỉ cách nhau chưa tới 10m. Lúc này, bạn cần tập trung cao độ, đi chậm để dễ dàng quan sát các xe khác.

Đừng quên bật đèn sương mù và bám theo các vạch kẻ đường. Việc vượt xe cũng cần hạn chế tối đa do tầm nhìn phía trước giờ đã giảm nghiêm trọng.

(Nguồn: https://vtc.vn/kinh-nghiem-lai-xe-len-doc-cho-xe-so-san-va-so-tu-dong-ar845526.html)